TTO – TP.HCM là đầu tàu kinh tế cần được ưu tiên đầu tư kết cấu hạ tầng kinh tế – xã hội, trong đó có hệ thống hạ tầng giao thông nhằm tạo động lực phát triển cho thành phố và tăng cường tính kết nối, lan tỏa động lực phát triển…
Tuyến đường vành đai 3 chạy cắt ngang khu vực xã Mỹ Yên, huyện Bến Lức, tỉnh Long An – Ảnh: TỰ TRUNG
“… cho vùng ĐBSCL, Tây Nguyên, Đông Nam Bộ và cho cả nước”.
Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ đã chia sẻ như vậy với Tuổi Trẻ, trong cuộc trao đổi trước giờ Quốc hội thảo luận về chủ trương đầu tư dự án đường vành đai 3 TP.HCM vào sáng nay 10-6.
Giao thông của nội ô TP.HCM và giao thông kết nối giữa thành phố với các địa phương trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam hiện đang là điểm nghẽn lớn, đặc biệt là các tuyến vành đai. Đường vành đai 3 sẽ trở thành động lực cho chính TP.HCM phát triển nội lực về công nghiệp, dịch vụ, nông nghiệp… từ đó tạo động lực lan tỏa đi các vùng khác.
Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ
Tuyến quốc lô 1 tại Khu công nghiệp Sóng Thần hướng về cảng Cát Lái hoặc về tỉnh Đồng Nai ùn tắc giao thông – Ảnh: TỰ TRUNG
Lẽ ra phải đầu tư lâu rồi!
* Ông đánh giá như thế nào về tầm quan trọng của đường vành đai 3 trong tổng thể bài toán tạo động lực phát triển cho TP.HCM và các vùng kinh tế?
– Kinh nghiệm thế giới là quy hoạch giao thông đều đi theo hướng đầu tư các tuyến vành đai. Sau đó đầu tư các tuyến cao tốc xuyên tâm kết nối với tuyến vành đai tạo thành một hệ thống giao thông hoàn chỉnh phục vụ phân luồng hợp lý cho cả giao thông đô thị và giao thông kết nối liên vùng.
Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ
Tuy nhiên hiện nay, kết nối từ ĐBSCL, khu vực Đông Nam Bộ hay Tây Nguyên, Nam Trung Bộ với TP.HCM chủ yếu sử dụng mạng lưới giao thông đường bộ hiện hữu và đi qua trung tâm thành phố, điều đó gây ra tình trạng quá tải và ùn tắc giao thông trên địa bàn thành phố ngày càng nghiêm trọng.
Vì thế, việc đầu tư đường vành đai 3 TP.HCM là tất yếu, nếu có nguồn lực phải đầu tư lâu rồi. Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII cũng xác định trong nhiệm kỳ này sẽ tập trung nguồn lực ưu tiên đầu tư cho các đường vành đai ở các thành phố lớn, trong đó có đường vành đai 3 TP.HCM.
* Chủ trương gộp vốn ngân sách trung ương và địa phương cùng làm dự án đã mở ra phương án tối ưu để làm dự án này. Các địa phương cũng cam kết bố trí đủ vốn, nhưng có ý kiến còn băn khoăn về việc bố trí được hay không… Ông nghĩ thế nào?
– Hiện nay, TP.HCM và 3 tỉnh Đồng Nai, Bình Dương, Long An đã tính toán kỹ lưỡng trên cơ sở cân đối nguồn vốn được bố trí từ ngân sách trung ương và nguồn lực của địa phương. Các tỉnh đã họp bàn bạc, thảo luận và thống nhất bố trí nguồn lực cho thấy quyết tâm và sự vào cuộc quyết liệt của địa phương trong việc phối hợp với trung ương trong công tác đầu tư phát triển hạ tầng giao thông, tháo gỡ điểm nghẽn về hạ tầng để tạo động lực lớn cho phát triển kinh tế – xã hội trong khu vực.
Đây cũng là giải pháp quan trọng để tập trung huy động được mọi nguồn lực để phát triển đất nước.
Dự án sẽ tạo nhiều nguồn thu gián tiếp
* Báo cáo Kiểm toán Nhà nước quan tâm đến phương án thu hồi vốn đầu tư từ dự án. Bộ GTVT đã tính toán với các địa phương ra sao, thưa ông?
– Đường vành đai 3 TP.HCM có tổng mức đầu tư hơn 75.000 tỉ đồng, trong đó chi phí giải phóng mặt bằng khoảng 41.000 tỉ đồng, đồng thời tận dụng một số đoạn đã đầu tư để kết nối liên thông.
Dù đã nghiên cứu các giải pháp đầu tư theo phương thức PPP, nhưng bối cảnh khả năng thu hút nguồn lực xã hội để đầu tư gặp khó khăn nên tính khả thi không cao. Chính phủ đề xuất đầu tư bằng nguồn ngân sách nhà nước, đồng thời cho phép tổ chức thu phí để thu hồi vốn cho Nhà nước phục vụ mục tiêu tái đầu tư phát triển.
Việc đầu tư theo hình thức đầu tư công, Nhà nước tổ chức thu phí không có tính chất hoàn vốn đầu tư dự án như đầu tư theo hình thức PPP (không tính lợi nhuận cho nhà đầu tư, lãi vay…) sẽ chủ động về thời gian, giá vé phù hợp với điều kiện kinh tế – xã hội và khả năng chi trả của doanh nghiệp, người dân khi tham gia giao thông.
Sau khi hoàn thành dự án sẽ là động lực quan trọng để thu hút các nhà đầu tư đối với phát triển khu đô thị, khu công nghiệp, trung tâm logistics, phát triển quỹ đất cho thành phố và các địa phương lân cận.
TP.HCM cũng sẽ tổ chức thu phí hoặc nhượng quyền thu phí để thu hồi vốn nhà nước. Đây cũng là hình thức huy động nguồn lực xã hội để tiếp tục đầu tư cho kết cấu hạ tầng. Để đảm bảo tiện lợi cho người tham gia giao thông, sẽ tổ chức thu phí theo hình thức thu phí điện tử không dừng.
* 10 năm trở lại đây, Bộ GTVT và các địa phương có nhiều kinh nghiệm và bài học từ việc làm các tuyến đường cao tốc. Theo ông, điều này sẽ được áp dụng như thế nào khi làm đường vành đai 3?
– Rút kinh nghiệm từ quá trình thực hiện dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc – Nam phía đông giai đoạn 2017 – 2020, UBND TP.HCM đã tham vấn ý kiến Bộ GTVT để hoàn thiện báo cáo nghiên cứu tiền khả thi của dự án; trong đó đề xuất Quốc hội một số cơ chế đặc thù để đảm bảo tiến độ, hiệu quả triển khai (xem đồ họa đính kèm).
Ông Phạm Văn Bạc (Long An) lần đầu tiên được nhìn thấy cung đường vành đai 3 trên bản đồ đi qua một phần đất của gia đình – Ảnh: TỰ TRUNG
Trên “nóng” dưới không thể “lạnh”
* Giải phóng mặt bằng lâu nay vẫn là điểm nghẽn lớn khi làm dự án giao thông. Khắc phục điểm nghẽn này như thế nào khi làm đường vành đai 3 TP.HCM, thưa ông?
– Giải phóng mặt bằng tuyến vành đai 3 TP.HCM được đề xuất thực hiện một lần theo quy mô quy hoạch ngay trong giai đoạn 1 nhằm quản lý tốt quỹ đất và hạn chế tình trạng tăng kinh phí giải phóng mặt bằng trong giai đoạn hoàn chỉnh. Việc này cũng sẽ hạn chế mức độ ảnh hưởng đến người dân và tiết kiệm nguồn lực cho giải phóng mặt bằng trong tương lai.
Giải phóng mặt bằng luôn khó khăn, phức tạp, là đường “găng” của dự án, do vậy sau khi Quốc hội thông qua, Chính phủ sẽ có nghị quyết để triển khai. Việc lập hồ sơ, cắm cọc được thực hiện song song với quá trình lập dự án đầu tư.
Xây dựng khung chính sách và tổ chức thực hiện kế hoạch thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư bảo đảm công khai, minh bạch, ổn định cuộc sống của người dân, hoạt động của các cơ quan, tổ chức, đơn vị có đất bị thu hồi.
Tổ chức tuyên truyền, vận động nhân dân ủng hộ, chia sẻ và phối hợp khi làm dự án. Các địa phương cũng cần phải tổ chức quản lý, khai thác, sử dụng có hiệu quả, tránh việc tái lấn chiếm quỹ đất đã được thu hồi nhưng chưa xây dựng.
* Những dự án giao thông trước đây có tình trạng hồ sơ, thủ tục bị ách tắc giữa các bộ, ngành và địa phương làm chậm tiến độ. Trách nhiệm của Bộ GTVT trong việc khơi thông điểm nghẽn này là gì?
– Thời điểm này, phía trên là Quốc hội, Chính phủ đều “nóng” thì phía dưới các bộ, ngành, địa phương không thể “lạnh”.
Bộ GTVT với tư cách bộ quản lý nhà nước chuyên ngành sẽ hỗ trợ TP.HCM và các địa phương hết sức về trình tự thủ tục, kỹ thuật và cùng trao đổi kinh nghiệm tổ chức, thực hiện để bảo đảm tiến độ dự án. Tinh thần là phối hợp để triển khai tốt theo đúng lộ trình, đẩy nhanh tiến độ và sớm đưa công trình vào khai thác như mong mỏi của nhân dân.