Gần 13 km Vành đai 3 từ nút giao cao tốc Long Thành – Dầu Giây đến Tân Vạn, thuộc TP Thủ Đức sẽ đi trên cao để phù hợp địa hình, giảm chi phí bồi thường.
Ông Lương Minh Phúc, Giám đốc Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP HCM (TCIP), đề cập nội dung trên khi thuyết minh báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án Vành đai 3 tại hội thảo đầu tư xây dựng tuyến đường này, chiều 11/3.
Sơ đồ Vành đai 3 TP HCM. Đồ họa: Trần Nam
Theo ông Phúc, quá trình nghiên cứu tiền khả thi tuyến đường, các bên trước đó xem xét ba phương án, gồm tuyến đi thấp toàn bộ, trên cao toàn bộ hoặc kết hợp đi thấp với trên cao. Sau khi đánh giá, các bên thống nhất chọn phương án tuyến đường cơ bản đi thấp, với tổng chiều dài hơn 53 km, còn lại 12,75 km đi trên cao.
“Đoạn trên cao kết nối từ cao tốc TP HCM – Long Thành – Dầu Giây, sau đó đi xuyên qua địa phận TP Thủ Đức đến nút giao Tân Vạn”, ông Phúc nói và cho biết việc chọn phương án trên để phù hợp địa chất, địa hình, cũng như khai thác hiệu quả quỹ đất hai bên.
Ngoài ra, lãnh đạo TCIP cho biết phương án này sẽ tiết kiệm kinh phí giải phóng mặt bằng, bởi đoạn đường đi qua khu đô thị, khi xây dựng trên cao sẽ chỉ giải toả bề rộng 63 m, thấp hơn nhiều so với đi thấp. Đoạn trên cao của tuyến vành đai cũng kéo dài vào nút giao Tân Vạn kết nối cảng ICD Long Bình – nơi trở thành trung tâm logistic sau này, giúp đảm bảo an toàn, đáp ứng nhu cầu giao thông, tạo điều kiện phát triển kinh tế, xã hội…
Vành đai 3 được quy hoạch 11 năm trước, đi qua TP HCM, Đồng Nai, Bình Dương, Long An, tổng chiều dài gần 92 km. Hiện, toàn tuyến chỉ đoạn Tân Vạn – Bình Chuẩn, dài hơn 15 km, đi qua Bình Dương đã đầu tư 6 làn xe. Ngoài ra, trên đoạn Tân Vạn – Nhơn Trạch hiện dự án thành phần 1A kết nối tỉnh lộ 25B (Đồng Nai) đến cao tốc TP HCM – Long Thành – Dầu Giây (TP Thủ Đức), dùng vốn ODA sắp khởi công.
Theo báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án, giai đoạn một Vành đai 3 được đầu tư trên chiều dài hơn 76 km, tổng kinh phí 75.377 tỷ đồng. Trong đó, việc giải phóng mặt bằng sẽ thực hiện theo quy mô hoàn chỉnh, bề rộng từ 60-74 m, nút giao có thể 120 m, tổng kinh phí hơn 41.589 tỷ đồng.
Giai đoạn một, tuyến vành đai sẽ làm 4 làn cao tốc ở giữa. Riêng đường song hành hai bên qua các khu đô thị, dân cư sẽ được xây dựng từ 2-3 làn, nhưng không liên tục mà đầu tư tuỳ tình hình của các địa phương. Trên tuyến cũng xây 6 nút giao lớn, 18 cây cầu… Hiện, báo cáo tiền khả thi dự án đã được Hội đồng thẩm định và Chính phủ thông qua, chờ trình Quốc hội phê duyệt tại kỳ họp tháng 5/2022.
TS Trần Du Lịch phát biểu tại hội thảo, chiều 11/3. Ảnh: Gia Minh
Việc đầu tư xây dựng Vành đai 3, các chuyên gia, nhà khoa học tại hội thảo đều đánh giá “vô cùng cấp thiết”. TS Trần Du Lịch, thành viên tổ tư vấn Chính phủ, cho rằng điểm nghẽn lớn nhất của vùng TP HCM là hạ tầng giao thông. Từ năm 2013 Thủ tướng phê duyệt 17 đô thị ở vùng TP HCM và hiện đã hình thành nhưng không phát triển được, do thiếu giao thông kết nối.
Ông Lịch nói trước đây sau nhiều năm nghiên cứu đã hình dung một vành đai công nghiệp trải dài qua nhiều tỉnh thuộc Vùng kinh tế phía Nam, gắn nhiều cụm cảng lớn như Thị Vải – Cái Mép, Cát Lái… Tuy nhiên để phát triển phải có hạ tầng giao thông, song việc đầu tư tại khu vực nhiều năm qua chậm trễ, không tạo sự đột phá.
Theo chuyên gia này, hiện các doanh nghiệp trên địa bàn chịu chi phí logistics rất lớn. “Doanh nghiệp nói với tôi chở hàng từ Cái Mép Thị Vải đến Tây Ninh còn đắt hơn chở từ Trung Quốc”, ông Lịch nói và cho rằng việc đầu tư Vành đai 3 chính là hỗ trợ doanh nghiệp để cạnh tranh.
Đánh giá định hướng tuyến đường sau khi hoàn thành sẽ thu phí để hoàn vốn, theo ông Lịch đó chỉ là vấn đề nhỏ, cần tính lợi ích lớn từ quỹ đất dọc tuyến. Nếu khai thác hiệu quả, nguồn thu sẽ rất lớn nên chi phí đầu tư không chỉ Vành đai 3 mà cả Vành đai 4 cùng các tuyến cao tốc hoàn toàn có thể làm được. Do đó chuyên gia này góp ý các địa phương cần tính ngay cơ chế như khai thác quỹ đất, phát hành trái phiếu phát triển hạ tầng. Nếu làm tốt, đến năm 2030 việc đầu tư hoàn thành các tuyến đường đều khả thi và việc đóng góp ngân sách quốc gia sẽ nhiều hơn.
Nhiều chuyên gia khác cũng cho rằng Vành đai 3 kết nối 5 tuyến cao tốc hướng tâm, gồm TP HCM – Long Thành – Dầu Giây, TP HCM – Trung Lương, TP HCM – Mộc Bài, TP HCM – Chơn Thành, Bến Lức – Long Thành, nên vai trò của tuyến không chỉ liên vùng mà còn kích thích cả Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Vành đai 3 khi hoàn thành, cùng các dự án khác sẽ cải thiện rất lớn môi trường đầu tư, ùn tắc giao thông, kinh tế xã hội…
Đường Mỹ Phước – Tân Vạn thuộc Vành đai 3 đoạn ở Bình Dương hoàn thành. Ảnh: Gia Minh
GS.TS Nguyễn Văn Phước, nguyên Viện trưởng Viện Môi trường và Tài nguyên TP HCM, nói việc giải phóng mặt bằng một lần cho dự án Vành đai 3 có ưu điểm rất lớn để tiết kiệm chi phí, bởi nếu không làm trước, dự án khi hoàn thành giá đất sẽ tăng rất cao. Tuy nhiên theo ông, giải phóng mặt bằng là một trong khó khăn lớn nhất, thường gây chậm trễ kéo dài với các dự án giao thông nên cần cơ chế, phương án triển khai đúng tiến độ.
Ngoài ra, dự án có nhiều dự án thành phần, nên trong nghiên cứu chi tiết cần đánh giá để lựa chọn nhà thầu đủ năng lực. Trong đó cần ràng buộc trách nhiệm, để không dẫn đến những hệ luỵ tiêu cực ảnh hưởng chất lượng, thời gian thực hiện…
Theo kế hoạch, sau khi Quốc hội thông qua, Vành đai 3 sẽ được khởi công năm 2023, thông xe năm 2025 và hoàn thành toàn bộ năm 2026. Để đẩy nhanh tiến độ, các tỉnh thành hiện kiến nghị được áp dụng các cơ chế đặc thù, như thống nhất tỷ lệ vốn Trung ương và địa phương; tăng tổng mức vốn trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 từ các nguồn địa phương dự kiến có thể tăng thêm.
Các tỉnh thành cũng kiến nghị sau khi hoàn thành dự án sẽ tổ chức thu phí hoàn vốn ngân sách. Đồng thời, dự án khi triển khai được áp dụng hình thức chỉ định thầu với các gói thầu tư vấn, di dời hạ tầng kỹ thuật; bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; gói thầu xây lắp…
Gia Minh
VNExpress
Pingback: Giá bất động sản vẫn tăng, liệu có điều chỉnh? - SWANBAY OASIA