Hiện chỉ có dự án đường vành đai 4 của Hà Nội và đường vành đai 3 TP.HCM có đủ điều kiện để xem xét, quyết định đầu tư.
>> Quyết liệt trong việc bàn giao toàn bộ mặt bằng sân bay Long Thành
Ngày 19-4, tiếp tục phiên họp thứ 10, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) cho ý kiến về việc chuẩn bị kỳ họp thứ ba QH khóa XV.
Tổng thư ký QH Bùi Văn Cường cho biết QH dự kiến họp phiên trù bị và khai mạc vào thứ Hai (23-5), bế mạc vào thứ Sáu (17-6), tổng thời gian làm việc của QH là 20 ngày.
Chính phủ sẽ trình đường vành đai 3
“Do tình hình dịch COVID-19 đang từng bước được kiểm soát trên phạm vi cả nước nên đề nghị QH họp tập trung tại Nhà QH, tuy nhiên vẫn có dự phòng phương án họp trực tuyến trong trường hợp cần thiết” – ông Cường nói.
Về dự kiến chương trình kỳ họp, ông Cường cho hay Chính phủ dự kiến trình QH xem xét, quyết định chủ trương đầu tư năm dự án: Đường vành đai 4 vùng thủ đô Hà Nội; đường vành đai 3 TP.HCM; đường bộ cao tốc Châu Đốc – Cần Thơ – Sóc Trăng; đường bộ cao tốc Khánh Hòa – Buôn Ma Thuột; đường bộ cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu.
Tổng thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường: “Chính phủ dự kiến trình Quốc hội xem xét, quyết định chủ trương đầu tư đường vành đai 3 TP.HCM”. Ảnh: quochoi.vn
Tổng thư ký QH cho biết hai dự án đường vành đai 4 vùng thủ đô Hà Nội và đường vành đai 3 TP.HCM đã được Bộ Chính trị cho ý kiến, hiện dự kiến chương trình đã bố trí hai nội dung này.
Hồ sơ, tài liệu của năm dự án đã được Chính phủ gửi đến UBTVQH. Sau khi các cơ quan của QH thẩm tra, UBTVQH sẽ xem xét, nếu đủ điều kiện sẽ trình QH tại kỳ họp thứ ba.
Tuyến đường vành đai 3 đủ điều kiện
Cho ý kiến, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho rằng hiện chỉ có dự án đường vành đai 4 của Hà Nội và đường vành đai 3 TP.HCM có đủ điều kiện để xem xét, quyết định đầu tư. Về ba dự án đường cao tốc còn lại, ông Thanh nói: “Còn khá nhiều vấn đề chúng tôi rất quan ngại”. Liên quan đến nguồn vốn, ông Thanh cho biết các dự án chuyển từ phương thức đối tác công tư (PPP) sang đầu tư công và nguồn vốn cũng dự kiến lấy trong vốn của đầu tư công chưa phân bổ. Các dự án này cũng không đáp ứng các tiêu chí, điều kiện theo Nghị quyết 43 của QH về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội. “Chúng tôi rất e ngại đại biểu QH của các địa phương khác có ủng hộ hay không. Các dự án khác và còn nhiều công trình của các địa phương khác có nhu cầu, đã chuẩn bị xong đầu tư mà không được bố trí vốn, bổ sung thêm để giải ngân theo tinh thần Nghị quyết 43” – ông Thanh nói.
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh: “Tuyến đường vành đai 3 TP.HCM có đủ điều kiện để xem xét, quyết định đầu tư”. Ảnh: quochoi.vn
Cũng theo ông Thanh, ba dự án này cơ bản vẫn dùng cơ chế chính sách đặc thù của Nghị quyết 43 nhưng phạm vi nghị quyết này chỉ trong hai năm (2022-2023). Trong khi những công trình này không chỉ đến giai đoạn 2025 mà còn kéo dài sang cả giai đoạn 2026-2030. “Đây là những vấn đề Ủy ban Kinh tế chúng tôi đề nghị phải cân nhắc, xem xét” – ông Thanh nhấn mạnh.
Theo Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách Nguyễn Phú Cường, ba dự án Chính phủ trình trên cơ sở đề xuất của Bộ GTVT đều chuyển từ PPP sang ngân sách, trong khi vốn đầu tư cho mỗi dự án đều rất lớn và “nguồn cũng không tìm ra”. “Tôi cho rằng giải pháp đó không tốt cho cân đối ngân sách” – ông Cường nói.
ĐỨC MINH
Theo Báo Pháp Luật Online